Ứng dụng Nấm xanh (Metarhizium anisopliae) trong phòng trừ sâu hại cây có múi; cách tự sản xuất nấm xanh

Ứng dụng Nấm xanh trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch. Sử dụng nấm xanh phù hợp với các tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn. Vì vậy, việc sử dụng nấm xanh là một hướng sản xuất khẳng định được phẩm chất và chất lượng của nông sản cũng như ngăn chặn được ô nhiễm môi trường so với sử dụng thuốc hóa học. Vậy nấm xanh là gì? có thể tự sản xuất nấm xanh không? mời bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Nấm xanh là gì?


Rầy nâu chết do nhiểm nấm xanh ký sinh

Nấm xanh có tên khoa học là Metarhizium anisopliase. Nấm xanh có thể ứng dụng trong phòng trừ nhiều loại côn trùng phá hoại mùa màng như bọ cánh cứng, rầy nâu, bọ xít, bọ dừa, rệp sáp, nhện đỏ, sâu xanh….Chúng có khả năng sinh độc tố destrucin A và destrucin B rất độc với côn trùng.

Bằng cách phun nấm xanh lên cây, hay tạo côn trùng nhiễm bệnh để lây nhiễm cả đàn, gặp độ ẩm, bào tử nảy mầm, tạo sợi đâm xuyên qua khớp nối giữa các đốt rồi sinh trưởng bên trong cơ thể côn trùng. Khi côn trùng chết, sợi nấm lại xuyên ngoài mọc kín khắp cơ thể, lúc đầu là lớp phấn trắng sau bào tử hình thành có màu xanh nên gọi là “nấm xanh – nấm trắng”. Bào tử phát tán theo gió hoặc nước để lây sang các cá thể khác làm cho côn trùng chết hàng loạt.

2. Ứng dụng nấm xanh trong phòng trừ sâu hại cây có múi

Thời kỳ phát triển lá non, đọt non trên cây ăn trái có múi là thời kỳ thu hút cực nhiều sâu hại và côn trùng. Các loại sâu và côn trùng thường gây hại thời điểm này phải nói đến các loại như sâu tơ, sâu xanh, sâu đen, sâu xám, sâu khoang, sâu keo, sâu róm, sâu cuốn lá, sâu vẽ bùa, các loại rầy, bọ cánh cứng, bọ chích hút, bọ xít xanh, nhện đỏ, bọ trĩ, ngài chích hút,… Các loại sâu và con trùng này đều sẽ bị nấm xanh, nấm trắng ký sinh và tiêu diệt.

Nấm xanh là một loại thuốc trừ sâu sinh học có khả năng tiêu diệt nhanh các loài sâu mà không gây hại đến môi trường. Đối với các loài côn trùng lớn thời gian ủ bệnh sẽ là 2 ngày. Côn trùng chết sau 7-10 ngày. Bào tử nấm mọc lộ ra bên ngoài xác côn trùng. Các con côn trùng bị bệnh sẽ chết bám dính chặt vào cây. Đối với côn trùng, bào tử nấm phát triển nhiều hơn, mạnh hơn.

Trong thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học mà cụ thể là nấm xanh (Metarhizium anisopliae) để phòng trừ sâu hại trên cây có múi đạt hiệu quả cao.

Theo kết quả nghiên cứu:

của Nguyễn Thị Lộc, Võ Thị Bích Chi, Trần Thị Bé Hồng và Nguyễn Thị Phương Chi Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Thới Lai, Cần Thơ thì: “Khi thực hiện mô hình trên cây bưởi Năm roi 5 – 6 năm tuổi tại Mỹ Hòa – Bình Minh, trung bình chi phí đầu tư về thuôc bảo vệ thực vật cho mô hình (ứng dụng chê phẩm M.a (CT15-RCC)/B.b (VL3-RMCQ)) đã giảm 1.107.000đ/ha (47,9%) so với đoi chứng (sử dụng thuốc hóa học và phun định kỳ). Trung bình chi phí đầu tư về phân bón cho mô hình đã giảm được 709.000đ/ha (3,6%) so với đôi chứng. Chi phí về công lao động ở mô hình đã giảm được 605.000đ/ha (9,6%) so với đối chứng.

Vì vậy, trung bình chi phí đầu tư cho mô hình đã giảm là 2.421.000đ/ha (8,6%) so với đối chứng. Kết quả đã giảm giá thành sản xuất bưởi ở mô hình, cụ thể là khi sản xuất 1 kg bưởi theo mô hình thì trung bình giảm được 64 đồng (9,6%) so với sản xuất bưởi theo tập quán cũ của nông dân là sử dụng thuôc hóa học (đối chứng). Năng suất trung bình của các vườn làm theo mô hình đã cao hơn so với đối chứng là 449kg/ha, chính vì vậy mà tổng thu của các mô hình đã cao hơn đôi chứng trung bình là 1.796.000 đ/ha (1,1%). Kết quả là lợi nhuận (lãi ròng) trung bình của mô hình đã tăng 4.217.000đ/ha (3%) so với đối chứng.

Tóm lại: Sử dụng nấm Xanh (Metarhizium anisopliae) trong sản xuất nông nghiệp là một biện pháp không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch. Sử dụng nấm Xanh phù hợp với nhiều tiêu chuẩn sản xuất tự nhiên và an toàn thực phẩm. Vì vậy việc sử dụng nấm Xanh là một hướng sản xuất khẳng định được phẩm chất và chất lượng của nông sản cũng như ngăn chặn được ô nhiễm môi trường so với sử dụng thuốc hóa học. 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng chế phẩm nấm xanh ở nước ta còn rất hạn chế do giá thành khá đắt so với thuốc hóa học, nay buoikhanhvinh.com ghi lại quy trình sản xuất nấm xanh ( metarhizium anisopliae ) của Fabulous Team như sau

3. Quy trình sản xuất nấm xanh (metarhizium anisopliae )

Sơ đồ cấy chuyển

tự sản xuất Nấm xanh tại nhà

Chuẩn bị vật tư:

  1. Gạo tấm loại rẻ tiền
  2. Bịch nylon chịu nhiệt
  3. Tủ cấy đơn giản
  4. Dây thun
  5. Bông không thấm
  6. Nồi hấp khử trùng (có thể dùng nồi áp suất)
  7. Đèn cồn
  8. Nguồn nấm xanh cấp 1

Chuẩn bị môi trường:

  • Gạo ngâm trong nước khoảng 1-1.5 giờ
  • Vớt ra để ráo cho vào bịch (0,5kg/bịch)
  • Cho cổ nút vào buộc lại bằng dây thun
  • Đưa bông không thấm vào kín cổ nút và bịt cổ nút lại bằng giấy.

Hấp khử trùng:

  • Cho gạo đã chuẩn bị ở trên vào nồi nước sôi
  • Khử trùng trong 02 giờ
  • Vớt bọc gạo ra để nguội chuẩn bị cấy chuyền nấm.

Cấy chuyền:

  • Sử dụng nguồn nấm xanh metarhizium anisopliae phát triển tốt, không tạp nhiễm để cấy chuyền.
  • Tùy vào lượng bào tử có trong đĩa nấm mà phân chia đĩa nấm thành nhiều phần thích hợp (06 phần/đĩa hoặc 05 phần/đĩa).
  • Dùng dao nhỏ hoặc kẹp chia nấm thành những miếng nhỏ.
  • Cấy 01 phần vào 01 bịch môi trường gạo được chuẩn bị ở trên rồi lắc đều.
  • Sau 03 ngày kiểm tra bịch và lắc đều một lần.

Thu hoạch và bảo quản:

  • Khi nấm xanh phát triển tốt (thông thường khoảng 10-15 ngày) có thể đem sử dụng.
  • Xấy sản phẩm ở nhiệt độ không cao hơn 45oC
  • Lưu trữ ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

4. Cách sử dụng nấm xanh

Sử dụng nấm metarhizium anisopliae trong canh tác

Hòa 01 bịch chế phẩm 0,5kg cho 04 bình 16lít, phun 2.000m2 (5 bịch/ha). Định kỳ 20 – 30 ngày một lần,

  1. Phun nấm xanh vào gốc cây và phần đất xung quanh gốc.
  2. Phun vào buổi chiều mát, không phun khi thấy trời chuyển mưa.
  3. Bình phun phải được vệ sinh kỹ.
  4. Không sử dụng chung với các loại sản phẩm trừ nấm bệnh khác.

Lời kết:

Tóm lại tiềm năng sử dụng nấm xanh trong phòng trừ sâu hại cây có múi là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Bạn có thể tự sản xuất nấm xanh với quy trình khá đơn giản nêu trên, tuy nhiên nếu muốn nhanh hơn bạn có thể mua về sử dụng. Một địa chỉ bán nấm xanh giá rẻ bạn có thể tham khảo, nếu muốn mua thì có thể liên hệ theo đường dẫn này.

Nguồn: Bài viết có sử dụng một số tài liệu của Fabulous Team.

có thể bạn quan tâm

3 thoughts on “Ứng dụng Nấm xanh (Metarhizium anisopliae) trong phòng trừ sâu hại cây có múi; cách tự sản xuất nấm xanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *